Chuyện bùa phép pháp thuật thì úm ba la đủ thứ hằm bà lằng quá lắm: bùa Miên, bùa Thái, bùa Miến, bùa Tàu… thiên biến vạn hóa, ảo diệu khôn lường. Đặt title “Chuyện bùa phép” bao la cốt để câu vìu, chứ chuyện tôi kể đây thật ra chỉ mỗi bùa Tàu!

Bên Tàu từ xửa xưa, thuở đất trời còn mông quạnh thì đã có môn bùa chú. Nhân dân thời thái cổ không được thấm nhuần ơn đảng nên toàn tin vào chuyện hoang đường. Chúng không biết sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương cà chớn, mà chỉ biết run sợ, gửi gắm lòng tin vào các vu sư. Thầy phù thủy thuở đó chính là cha già dân tộc; chả nói đi là đi, nói đứng là đứng, nói tè là dân phải tè.


Tam hoàng Ngũ đế của Tàu đều xuất thân từ thành phần vu sư này, được thần dân tín ngưỡng vào pháp thuật vô biên nên họ nhất hô vạn ứng, trường trị nhân gian. Thư tịch cổ Trung Hoa ghi rằng Hoàng đế (2698 trCn-2599 trCn) được trời trao thiên ấn thần phù để khuất phục bọn man di, là bậc nhân thần có công sáng lập văn minh Hoa Hạ.
Những tàn tích của vu sư vẫn lưu lại và hằn sâu trong tiềm thức người Tàu, thể hiện qua các tiểu thuyết diễn nghĩa, nhất là ở bộ Phong thần bảng. Các phép thuật thầy bùa dần lui vào hang sâu núi cao sau khi làm tròn trách nhiệm lịch sử, rồi đến thời Đông Hán được Trương Đạo Lăng phục khởi, lừng lẫy tái xưng hùng, Lăng được tôn là “Trương thiên sư”, đời đời kính ngưỡng hương khói không dứt. Cái tội của Lăng di họa khôn lường, chẳng những chỉ mê hoặc nhân gian mà còn làm tuyệt diệt cả tinh hoa bùa chú.
Bùa phép, hay “phù chú”, là một trong những phép tu luyện đạo hạnh, căn bản của ngũ thuật (sơn, y, bốc, mệnh, tướng) thuộc huyền học Trung Hoa. Khởi thủy, bùa là phương tiện giao tiếp hợp nhất với thần linh. Có nhiều hình thức sử dụng bùa: để uống; để đeo trong mình; để sắc với thuốc trị bịnh; hòa trong chậu nước tắm, nước rửa mặt nhằm thanh tẩy trừ tà; dán trong nhà cửa xua tai ách tật bệnh; hoặc để đốt, trấn phong thủy.
Người luyện bùa phải giữ thân tâm thanh tịnh, mỗi tháng phải trai giới, tĩnh tọa vào 2 ngày sóc vọng. Phải cữ không ăn thịt ếch, lươn, chó, rùa và ốc (là những món chí âm có hại cho nguyên thần). Phải lập trọng thệ không được sính cường hiếu thắng, làm tổn hại người khác. Rồi chỉ được vẽ bùa vào đúng giờ Tý, lúc âm dương chuyển giao. Trước khi vẽ, còn phải tắm rửa xông hương, rửa tay súc miệng; lúc động bút phải chuyên chú thành tâm, gạt đi tạp niệm, tuyệt đối im lặng. Có giữ gìn tuân theo điều lệ đảng mới là đảng viên chân chính; thầy bùa cũng vậy, phải kiên trì những giới luật ấy mới thật pháp sư, bằng không, chỉ là hạng chó má bất lương lừa bịp người đời, sớm muộn kiểu gì cũng bị thiên lôi đả bà cố bắt.
Chuyện bùa phép B-1Về hình thức, một lá bùa thoạt trông loăng ngoằng lích nguỵch, nhưng thật ra có kết cấu nghiêm ngặt đàng hoàng, với 4 phần liên thông hô ứng theo đúng… qui trình:
– Phù đầu (đầu lá bùa): là ký hiệu của môn phái (ví dụ phái Tam Thanh thì bùa của họ luôn có ba dấu tựa chữ V trên đầu).
– Chủ sự thần: ghi tên vị thần muốn thỉnh cầu, điều động.
– Phù phúc (bụng lá bùa): nội dung bùa, nằm bên dưới những nét vẽ ngoằn ngoèo lò xo chữ chi như mớ ruột phèo, được đóng khung giữa hai nét mở rộng như tấm rèm.
Chuyện bùa phép B-2
Các dạng “phù đảm”, vẽ dưới cùng lá bùa.

– Phù đảm (“đảm” đây là túi mật trong nội tạng), là ký hiệu tượng trưng nhằm thỉnh tổ sư về trấn ngự trong lá bùa. Bùa mà không có “đảm” thì thành đồ bỏ, như công văn không dấu mộc.
Nghi thức đăng đàn làm phép không chỉ vẽ bùa khơi khơi, kiểu cha nội nào đó tưởng chỉ tuyên diễn văn xàm đế trước cử tri, rằng đảng ta anh minh tài tình là đủ diệu dụng dẹp âm binh tham nhũng. Một pháp sư chân chính, ngoài việc vẽ bùa còn phải kiêm thông 3 món niệm chú, bắt ấn và bày trận.
Nếu ví lá bùa như một công văn thì chú ngữ chính là lệnh miệng kèm theo. “Chú” là những mật ngữ nhằm hiệu lệnh, ca tụng, tán tỉnh và thuyết phục quỷ thần.
“Ấn” là những cách móc ngoéo ngón tay với nhau, để hiển thị uy nghi và năng lực của pháp sư. Thường thì chỉ cần ngó qua cách bắt ấn điệu nghệ hay không là có thể đánh giá pháp sư giỏi dở.
“Đẩu” là tinh đẩu, cách bày trận cắm cờ, tùy nội dung mà có cách bày trận theo ngũ hành hay thất tinh, bát quái, để phát huy tối đa uy lực của linh giới.
Nội dung, mục đích của bùa bao gồm đủ thiên hình vạn trạng, từ bùa trị trẻ con khóc dạ đề, đái dầm, đến bùa yêu, bùa mê, bùa giúp sản phụ trong cơn đau đẻ, bùa tìm vật quý thất lạc, bùa buôn may bán đắt, bùa gọi người xa trở về… Mỗi lá bùa là một cảnh giới khác nhau, nâng dần pháp sư đến bậc vô vi ngộ đạo.
* * *
Đến đây, sẽ có người thắc mắc: vậy bùa phép có linh nghiệm không? Điều này, thú thật tôi không chắc, chỉ xin kể lại một câu chuyện làm bằng.
Tôi thiệt gốc Ba Tàu, ông bà tới đất Đồng Nai lập nghiệp từ hồi Quốc-cộng giao tranh đầu rơi máu đổ. Kịp khi nhờ ơn chính quyền cách mạng cho phép đóng vàng vượt biên bán chính thức, tôi ở nhà người chú đối diện ngay chợ Tân Định, Sài Gòn.
Chú Ba tôi là người chịu chơi, ông đứng ra tổ chức đóng tàu vượt biên kiếm lời, mãi tới lúc phong trào bị cấm bởi quốc tế la ó, ông mới cùng gia đình ra đi trong chuyến cuối cùng.
Thời gian đó, ông học đủ thứ nghề, từ thợ bạc, sửa honda, tới chiên dầu chá quẩy, làm mì sợi. Những người Tàu sắp bỏ xứ mà đi nên không cần giấu nghề, đều dốc lòng truyền thụ bí quyết cho chú Ba. Chú học nhằm trang bị sẵn, khi ra nước ngoài tùy thiên thời địa lợi mà mở mang cơ nghiệp khác. Trong số nghề bá nạp chú học đó có món bùa phép, và ác đạn cô hồn dun rủi, không biết nghĩ sao, lúc đó tôi lại chọn học lóm môn này.
Bài vở học được, chú Ba chép kỹ trong chồng sổ dày. Đêm đêm, tôi rình giở sổ chép lại tự tu luyện theo. Quyết tâm mau chóng đạt thành chánh quả, tôi ăn chay trường ngồi thiền xuyên suốt cần mẫn. Phải giấu kỹ không dám cho ai biết, vì đồn rằng nếu tự lực luyện bùa không có tôn sư hướng dẫn sẽ tẩu hỏa nhập ma muôn kiếp không được đầu thai, nguy hiểm vô cùng, và nếu mình mà bị phát hiện thì ăn đòn nát đít ngon ơ!
Chú Ba chép được lá nào, tôi ngấu nghiến luyện làu làu bùa đó. Thỉnh thoảng thấy ổng nhảy nhót oai phong vung vít trị nhức răng tức ngực, nghe đâu cũng công hiệu, tôi ngứa ngáy lắm, nhưng không cách nào trổ tài thử coi pháp lực mình cỡ nhiêu.
Vậy rồi, đêm đó, một chuyện quái đản xảy ra. Nhỏ con gái của chú, mới 6 tuổi, bỗng lên cơn đau bụng quằn quại, kêu khóc inh nhà, và điều lạ lùng là trong cơn đau, nó mê hoảng đọc tên tiếng Tàu của ông bà cố tổ nội ngoại mấy đời trước vanh vách, mà nó chưa hề được học qua chữ Tàu nào; nhà nước cấm bà chữ Tàu, lấy đâu ra trường để học?
Chú Ba chắc mẩm con mình bị tà nhập, bèn thành kính thắp nhang đảnh lễ, thỉnh tôn sư cho phép làm lễ trừ tà ngoại thời (không phải trong giờ Tý). Trong khi chú lọ mọ chuẩn bị, nào đánh răng súc miệng, đội mão hỗn nguyên, khoác áo khâm bào, cắm cờ bày trận, thì tôi sớt ngang con nhỏ, phóng ra cửa kêu xích lô chở nó đi khám.
Thì ra con này bị đầy một bụng lãi đũa, xổ ra thấy gớm. Còn họ tên tổ tiên, là do tôi mỗi ngày đút cơm nó ăn, thường dụ để dạy em học thuộc các bài vị bày ở bàn thờ.
Chuyện bùa phép B-3
“Ấn” Tam Thanh, dùng để vẩy nước, rượu, lúc hành lễ.
Chuyện bùa phép B-4
Ấn Ngũ Lôi, để khi hô khẩu hiệu xúi âm binh thần tướng xung phong ra đánh Mỹ cứu nước.
Chuyện bùa phép B-5
Ấn Kim Cang, để khi huơ làm phép trên lá bùa.
Chuyện bùa phép B-6
Ấn Thỉnh Thần, như tên gọi, là để kêu thần tướng ghé chơi.
Chuyện bùa phép B-7
Ấn Bát Quái, để đuổi tà ma xàm xí mứng.
Chuyện bùa phép B-8
Ấn Thái Thượng Lão Quân, để thỉnh sư tổ giáng lâm.